Tài khoản

Giải đáp tất tần tật những thắc mắc của mẹ khi cho bé Ăn dặm kiểu Nhật (P4)


Hỏi 1: Bé nhà em trước đây ăn dặm rất hợp tác, nhưng kể từ khi bé được 7 tháng tuổi, em chuyển cho bé sang giai đoạn 2 thì bé không chịu ăn gì cả, không biết là tại vì bé chê em nấu ăn chán hay bé bị thiếu chất? Liệu em có cần bổ sung gì cho bé không ạ?

Hỏi 2 : Con mình nay được 8 tháng, bé bắt đầu ăn dặm từ lúc 5 tháng, bé hợp tác tốt và rất thích ăn, mỗi khi thấy mẹ cầm chén cháo là mừng rỡ dậm chân và ăn ngon lắm, nhưng gần 1 tháng nay con lười ăn, ăn 1 ít lại khóc nên mình cho bé đồ chơi, riết rồi giờ hay khóc nhè, ăn không tập trung và không cảm giác được sự vui vẻ trong bữa ăn nữa chỉ là còn mong là con đừng khóc mà ăn tiếp thôi, muốn ăn được nhiều hơn là phải đưa đồ chơi, ad có cách nào cải thiện tình trạng này cho mình xin ý kiến với
Trả lời: Bé biếng ăn ở giai đoạn 7-8 tháng có thể do những nguyên nhân sau: 
Nguyên nhân 1: Trong 2 năm đầu đời của bé, bé sẽ trải qua những giai đoạn biếng ăn sinh lý, là khi bé tập trung vào việc phát triển trí não, tinh thần và kỹ năng (tuần khủng hoảng - the wonder weeks). Trong giai đoạn đó bé tập trung vào việc tập kỹ năng mà bỏ bê nhu cầu của cơ thể. Đọc tâm sự của mẹ thì thấy bé có biểu hiện đang rơi vào thời kỳ tuần khủng hoảng. Nếu đúng, thì mẹ cần kiên trì chờ đợi cho bé thời gian này qua đi, hỗ trợ bé tập kỹ năng (Vì khi bé học xong được kỹ năng thì thời gian khủng hoảng sẽ qua đi, bé bước vào giai đoạn "nắng đẹp" và lại quay trở lại ăn uống bình thường). Mẹ nên để bé có cơ hội đói, bé đòi ăn mới cho bé ngồi vào ghế ăn, nếu bé đòi đồ chơi thì mẹ không nên cho bé chơi mà kiên trì mời bé ăn. Nếu bé khóc đòi ra, mẹ đồng ý cho bé ra, dừng bữa ăn lại trong 5 phút rồi lại mời bé vào ngồi lại ghế ăn, nếu bé ngồi lại và chịu ăn thì mẹ cho bé ăn tiếp, nếu bé lại khóc, đòi ra lần thứ 2, thì mẹ lại cho ra, đợi 5 phút rồi mời vào lại. Đến lần thứ 3 khi bé khóc thì mẹ cho bé ra luôn và ngừng bữa ăn tại đây, rồi cho bé bú sữa. Không nên phá vỡ kỷ luật ngồi ghế ăn và ăn tập trung của bé, vì sau khi giai đoạn biếng ăn sinh lý đi qua, bé quen chơi đồ chơi để ăn sẽ rất khó rèn lại.
Ngoài ra, mẹ cũng cần xem lại thói quen sinh hoạt của bé xem mẹ có cho bé ăn và bú sữa với thời gian cách nhau quá dầy hay không, nếu có, mẹ cần giãn cữ ăn và cữ sữa của bé ra cách nhau ít nhất 3 tiếng, giảm hoặc cắt hẳn bú đêm. Hoặc mẹ cần giảm lượng sữa mẹ xuống còn 450-500ml.
Nguyên nhân 2: Cách cho bé ăn dặm của mẹ chưa phù hợp
Có thể là kỹ năng xử lý thức ăn của bé đã tốt hơn mà mẹ vẫn chưa chuyển giai đoạn cho bé, chưa cho bé ăn thô hơn, bé chán các món đã bị rây nhuyễn và muốn được ăn các thực phẩm có tính thử thách hơn.
Khả năng thứ 2 thì ngược lại, có thể là mẹ đã chuyển giai đoạn quá sớm khi bé chưa thành thạo kỹ năng nhai, nếu rơi vào trường hợp này, mẹ cần xem lại bài viết [] để tìm hiểu chính xác khi nào nên chuyển sang giai đoạn 2 của ăn dặm kiểu Nhật và chế biến thức ăn phù hợp với khả năng của bé.
Một nguyên nhân nữa là có thể bé đang gặp vấn đề về sức khỏe như bé bị mệt, ốm, mọc răng, hoặc do thời tiết thay đổi thất thường cũng khiến bé biếng ăn. Mẹ cần loại trừ hết các nguyên nhân do sức khỏe và thời tiết rồi tìm hiểu 2 nguyên nhân mà chúng tôi đã đề cập đến ở trên và tìm cách xử lý phù hợp với từng nguyên nhân.
Tất nhiên, nguyên nhân cũng có thể là do "tay nghề" nấu ăn của mẹ, mẹ có thể đổi cách chế biến món theo kiểu khác như thay vì hấp, luộc cho bé mẹ có thể nướng thức ăn rồi mới làm nhuyễn hay xào qua một chút hoặc trộn với một chút dầu, hay  sử dụng các loại gia vị tự nhiên để cho hương vị món ăn thêm phong phú hơn như dùng tỏi, hành khô, nghệ, các loại lá rau thơm như bạc hà, lá thyme....
Về vấn đề thiếu chất: Để đánh giá bé có thiếu chất hay không và thiếu chất gì mẹ cần cho bé đi khám tại bệnh viện, làm các thủ tục thăm khám và xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bác sĩ chẩn đoán bé thiếu chất, thì mẹ cần bổ sung các chất theo đúng hướng dẫn đã kê của bác sĩ. Không nên nghe lời truyền miệng và cho bé sử dụng các thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vô tội vạ hay không đúng hướng dẫn, tránh việc gây hại cho sức khỏe và sự phát triển của bé. 

Hỏi 3: Con em được 8.5 tháng. Sáng 7h em cho ăn nửa chén cháo. 8h em cho bú ngủ. 9h dậy em cho ăn 2/3 hủ yến, không thì bánh, chè, nước các kiểu. 11h em cho ăn nửa chén cháo. 12h bú ngủ. 1h dậy ăn yến, bánh, nước ... 4rưỡi em cho nửa chén cháo. 6h bú mẹ. 8h bú ngủ. Đêm bé bú mẹ liên tục. Bé ăn tốt nhưng lại không lên cân chút nào, cho em lời khuyên với ạ. 

Trả lời: Trước hết thì xin lưu ý với mẹ rằng bé dưới 1 tuổi chưa được phép ăn yến, đặc biết là loại nước yến công nghiệp, có chứa nhiều đường và chất phụ gia, việc cho bé ăn yến dưới 1 tuổi là lợi bất cập hại, có thể làm giả khả năng hấp thu dinh dưỡng của bé.
Ngoài ra, với bé dưới 1 tuổi  thì sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu, và bé hấp thụ dinh dưỡng cũng như lớn được là nhờ sữa. Mẹ cho bé ăn nhiều, tuy bé ăn tốt nhưng lại chẳng hấp thụ được bao nhiêu, dinh dưỡng từ sữa cũng vì ăn mà giảm sút, khiến bé không nhận được đủ lượng dinh dưỡng cần thiết, do đó, dù bé ăn nhiều mà vẫn không phát triển thể chất được. Ngoài ra, lịch ăn quá dày như trên cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, tiêu hóa của bé do hệ tiêu hóa của bé phải làm việc liên tục, không ngừng nghỉ, khi hệ tiêu hóa quá tải thì sẽ không làm việc hiệu quả được nữa.
Đối với bé 8.5 tháng, lịch ăn hợp lý có thể như sau:
7h bé dậy mẹ cho bú mẹ.
9h mẹ cho bé ăn nhẹ, tốt nhất là các thực phẩm không chứa đường, muối
11h30 bé ăn trưa rồi bú mẹ để đi ngủ
2h30 bé bú mẹ
6h bé ăn tối rồi bú mẹ để đi ngủ
Đêm bé bú tối đa 3-4 lần.
Mẹ cần chú trong đến cả giấc ngủ của bé nữa, đặc biệt là giấc ngủ đêm vì trong khi ngủ, lượng hoocmon tăng trưởng tiết ra nhiều, giúp hỗ trợ cho sự phát triển thể chất (cân nặng và chiều cao của bé).
Ngoài ra, mẹ không nên chỉ chú trọng đến cân nặng của bé mà cần phải quan tâm cả chiều cao, vòng đầu và ngực của bé cũng như sự phát triển trí tuệ, vận động của bé để đánh giá bé có phát triển toàn diện hay không. 

Hỏi 4: Em tính nấu nước dashi từ rau củ cho bé nhưng không muốn cấp đông, chỉ muốn nấu rồi dùng trong khoảng 2-3 ngày và để ở ngăn mát tủ lạnh thôi. Liệu làm như thế có ảnh hưởng gì tới chất lượng nước dashi không ạ?
Trả lời:
Với nước dashi rau củ mà mẹ không muốn để ngăn đá thì mẹ chỉ nên trữ ngăn mát tối đa là 2 ngày mà thôi, và mẹ nên chia nước dashi rau củ ra những hộp nhỏ, mỗi lần lấy một hộp ra để chế biến cho bé và nên để ở khu vực lạnh sâu nhất của ngăn mát tủ lạnh. 

Hỏi 5: Em rây và nghiền rau mùng tơi nhưng toàn thấy nước nhớt, không có tí cái nào, em nên làm thế nào để cho bé ăn được rau mùng tơi ạ?
Trả lời:
Với mùng tơi thì mẹ nên nấu chín rồi mới rây hoặc giã, hoặc cho vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn hoặc xay rối tùy vào kỹ năng và giai đoạn ăn dặm của bé. 


07/2017.   Đã có 1 phản hồi.
  Thích
  Facebook